Du học màu xám, màu hồng hay màu gì?
Nửa năm trước, mình viết một bài về việc, có những ngày du học sinh mở mắt với một màu xám, vì nỗi buồn, nỗi âu lo, học tập bệnh tật tại đây. Mục đích bài viết hoàn toàn để kêu gọi mọi ng ủng hộ cho một em du học sinh mới 18 tuổi, bị ung thư ở nước ngoài, và viết về những mảng màu khác, những ngày màu khác, chứ k phải chỉ có mỗi màu hồng.
Bài viết này đã được VTC và Kênh 14 đăng lại ở đây, có xin phép mình nhưng giật tít du học sinh nhìn “toàn một màu xám”. Mình không hề nói cuộc sống du học lúc nào cũng toàn màu xám, cũng chưa từng hối hận vì đã đi du học và trở về VN làm việc. Bài viết có những mảng màu tối, để du học sinh thấy rằng, chặng đường nào trải bước trên hoa hồng :). Mình không muốn các bạn tưởng tượng rằng du học là chân trời màu hồng, đó là một chặng đường chông gai, thử thách và có những điều không lường trước được. Mình cũng ko vì những màu xám đó mà không làm công việc yêu thích của mình – tư vấn du học.
Nhiều năm qua, mình đã tư vấn cho rất nhiều học sinh, đi du học có, du lịch có, hay đơn giản là những vấn đề tâm sinh lý khi xa nhà. Bài viết này, để phản hồi một bài viết phản pháo mình trên Kênh 14 của 1 du học sinh Mỹ.
Một người đã lê lết 7 năm ở nước ngoài, đưa lên một hình ảnh rõ ràng, khó khăn du học sinh gặp phải chứ ko phải vẽ nên 1 màu hồng và có thể gây vượt quá kì vọng
Về em du học sinh bị bệnh hiểm nghèo, đợt đó mình gây quỹ nhưng đều link sang tài khoản của gia đình em nên cũng ko rõ mình kêu gọi giúp em được bao nhiêu, nhưng bạn bè mình, mỗi người 500k, 1 triệu hay 2 triệu, thậm chí 1,000 USD cũng có người chuyển khoản. Giờ em đã khỏe hơn, thấy bố em update facebook về em, dù chưa gặp mặt, cũng vui:) Xa nhà nhiều điều không lường trước được, nhất là ngoại cảnh, mong tất cả du học sinh đều thành công dù chặng đường ko có hoa hồng 🙂
“Canvas” không chỉ có màu trắng để vẽ rõ màu hồng!
Đừng nói du học là quyết định đắt đỏ và là cuộc đầu tư đầy hào phóng của bố mẹ khi mà xuất phát điểm của mỗi người là khác nhau. “Canvas” không phải chỉ có một màu trắng. Không phải gia đình cũng có điều kiện để hào phóng về tài chính, đôi khi bố mẹ chỉ có thể hào phóng về niềm tin và sự kì vọng. Chia sẻ của một bạn du học sinh Mỹ trên Kenh 14 đánh mạnh vào việc chuẩn bị kĩ càng trước khi du học, đặc biệt là tài chính. Tuy nhiên, có rất nhiều trường hợp khi chuẩn bị được tài chính kĩ càng thì đã bỏ lỡ đi cơ hội có thể chỉ đến 1 lần trong đời, bỏ đi tuổi trẻ được trải nghiệm muôn nơi.
Chẳng lẽ cứ phải chuẩn bị kĩ tài chính như ba mẹ bạn đã chuẩn bị cho bạn, thì những học sinh nghèo ham học mới có thể chạm đến ước mơ du học hay sao? Chẳng lẽ cứ phải có thật nhiều tiền thì mới có thể đi du học? Vậy chắc bạn chưa nghe đến việc học phí Pháp tăng (gần như là) đột ngột lên 15 lần? Nếu bạn là một du học sinh Pháp đang đứng trước ngưỡng chuyển giao của hai cấp Đại học hay Thạc sĩ (cả Tiến sĩ), thì dù bạn đã từng thành công trong việc chứng minh tài chính bước đầu khi xin visa (sự chuẩn bị kĩ ban đầu), bạn cũng sẽ phần nào lao đao với sự bất ngờ này!
Liệu bạn có thể nói được “Sao không chuẩn bị kĩ hơn?” không, khi mà bạn du học bằng chính những đồng tiền tiết kiệm của bản thân sau những năm tháng nỗ lực, chỉ nhận được rất ít sự trợ cấp của gia đình, khi bạn phải đi học từ 8h sáng đến 4h chiều, sau đó bắt tàu chạy xe để đi làm từ 5h chiều đến 11 giờ đêm và thức đêm để làm project cho kịp nộp đúng hạn. Nếu lúc đó bạn vẫn bình tĩnh và nói thế này, thì tôi khâm phục bạn!
Khi một ngày stress đến muốn buông bỏ tất cả, buông bỏ cả đi việc học mà bạn đã cố gắng suốt bấy lâu, thì cũng là lúc tâm trạng bạn đã chạm đáy. Nếu lúc đó, bạn còn ý thức được bạn đã tự tin như thế nào, thì bạn đúng là một người lạc quan hiếm có!
Ở Việt Nam sinh viên được đi làm tự do không giới hạn miễn có đủ sức khỏe và đảm bảo khả năng học tập. Trong khi ở nước ngoài, số giờ làm thêm thường bị giới hạn. Nỗi lo cơm áo gạo tiền và học tập sẽ nhiều khi làm bạn phải suy nghĩ. Trên nhiều diễn đàn, du học sinh Mỹ thường bị đánh đồng là hội nhà giàu và chia sẻ rằng họ rất ít các cơ hội xin hỗ trợ tài chính, việc làm thêm ngoài campus còn hoàn toàn bị cấm. Du học sinh không chỉ “cạnh tranh” với du học sinh mà “cạnh tranh” với chính sinh viên bản xứ để tìm việc khi mà đa số các nước đều có chính sách ưu tiên tuyển dụng người bản xứ.
Tiếng Anh đâu chỉ có chung một accent!
Có những chuyện dù chúng ta đã chuẩn bị kĩ nhưng có khi xảy ra nhiều điều không thể lường trước. Ví dụ đơn giản như chuyện học tiếng Anh.
Bạn có thể giao tiếp dễ dàng khi sang Mỹ nhờ vào sự va chạm tiếng Anh- Mỹ khi bạn có thể học thầy Mỹ và xem phim hay nghe nhạc Mỹ ở Việt Nam. Nhưng năm 18 tuổi của mình ở Singapore với vốn tiếng Anh được học hành khá kĩ, 2 tháng trời mới sang mình đã gần như không hiểu gì vì người Sing nói tiếng Anh với ngữ điệu Singlish mà rất nhiều người Mỹ còn bó tay. Vượt qua trở ngại tiếng Singlish, mình lại gặp thầy giáo Ấn Độ với ngữ điệu kiểu Ấn toàn âm “R”, “L” luyến láy. Kì học sau đó, mình lại gặp thầy giáo gốc Scotland với ngữ điệu chẳng hề như người Anh tí nào. Đến thạc sĩ, mình học chương trình của Đại học Nantes, Pháp và được giảng dạy bằng tiếng Anh, mình lại học cách nghe người Pháp nói tiếng Anh như tiếng Pháp. Và đến ngày đi nghiên cứu ở Hungary, mình lại được làm quen với cách người Hung nói tiếng Anh. Thật sự, quá trình học của mình, không bao giờ được chuẩn bị kĩ càng về ngôn ngữ, vì mình kiếm đâu ra thầy Pháp dạy nói tiếng Anh kiểu Pháp hay thầy Hungary dạy nói tiếng Anh kiểu Hungary???
Cô đơn là điều tất yếu!
Mùa đông lạnh lẽo, đến lá cũng bỏ bạn đi. Du học sinh, tức là làm gì cũng một mình. Tất nhiên, ai chẳng có bạn bè. Tất nhiên, ai cũng muốn vui chơi. Nhưng đâu phải ai cũng thường xuyên đắm mình trong những buổi tiệc tùng họp mặt? Vẫn có lúc buồn, vẫn có lúc cô đơn. Nhất là lúc ốm. Và xung quanh không có ai cả. Bạn biết người này bận. Bạn biết người kia đang đi làm. Bạn biết bạn không nên làm phiền ai hết. Bạn biết bạn phải tự xoay xở. Dù thế nào, cũng phải vượt qua.
Liệu bạn có tủi thân không?
Mà đó chỉ là những trận ốm sốt vặt vãnh. Có thể bỏ qua. Vậy nếu rơi vào trường hợp như một bạn du học sinh Nga bị bệnh hiểm nghèo mà bảo hiểm không chi trả cho việc chữa trị bệnh hiểm nghèo ấy, thì bạn có còn khẳng định du học sinh nào cũng được chi trả bảo hiểm dù đã mua? Mình không nghĩ lúc đó bạn đủ tự tin để nói rằng “đã chuẩn bị thật kĩ cho con đường du học của bản thân”.
Du học sinh không hối hận!
Nói đi cũng phải nói lại, dù bức tranh du học của mình có những ngày mở mắt ra là thấy màu xám vì nỗi buồn xâm chiếm, nhưng mình vẫn không hối hận. Đi du học, mình đã được tự tay làm những việc chưa từng làm, đến những nơi hiếm ai có thể đặt chân đến, gặp gỡ những người mà nếu ở Việt Nam chắc cả đời mình cũng không gặp được. Việc du học đã làm mình lớn khôn và có thể tự tin xoay xở ở mọi trường hợp, dù có là một ngày năm mới tưởng chừng như đang du lịch vui vẻ ở nước ngoài, thì mất tiêu hộ chiếu hay một ngày hè xe oto bốc cháy trong khu rừng cạnh đường quốc lộ, cũng bình tĩnh và tìm cách xoay xở. Hay việc đóng bàn đóng tủ đóng ghế, mình cũng có thể làm tốt với đinh, búa, và tuốc vit. Hay ngày mình đặt chân đến Kosovo tham dự một hội thảo khoa học, một lãnh thổ chưa độc lập, mới trải qua chiến tranh, nhưng ở đó là nơi thân thiện nhất mình từng tới. Những trải nghiệm đó, là điều mình luôn biết ơn, nhờ có du học 🙂
Mong các bạn có thể tự vẽ nên bức tranh của bản thân mình, cho dù được vẽ trên tấm canvas vốn có màu gì đi chăng nữa.
Tác giả: Quỳnh Anh + Trần Đinh Khánh Linh ( cô em bánh bèo nhèo)