Khi bố mẹ chúng ta già – Chuyện du học
Hôm nay, bác tôi trút hơi thở cuối cùng, sau mấy ngày vật lộn với căn bệnh đột ngột. Trong lúc các anh chị lo thu xếp công việc gia đình, tôi chỉ đứng đó và không biết làm việc gì, với rất nhiều suy nghĩ, thấy mình thật sự còn kém cỏi và không biết nhiều lắm, những lúc thế này, thật sự không biết xoay xở làm sao. Nêú nói đi nước này nước kia nguy hiểm, tôi chẳng sợ hay lo lắng về việc xoay xở, lúc nào cái khó cũng ló cái khôn. Nhưng lúc ở bệnh viện, trước nhà tang lễ, nghe đến áo quan, ngày giờ, khách khứa, công việc, thu xếp, trùng tang, xây dựng, … tôi đều ù tai vì tôi không biết tất cả xử lý tất cả những điều này
Vì đặc thù nghề nghiệp làm trong lĩnh vực du học, tôi thường xuyên nhận được câu hỏi xin tư vấn về việc “Du học nước nào để dễ định cư”. Tôi vẫn nhớ bác tôi cũng từng nói trước khi tôi du học rằng, nếu đi được cứ đi đừng về nữa, nhưng 5 lần 7 lượt tôi chỉ đi học, đi đi về về Việt Nam và luôn bỏ qua các cơ hội sống lâu dài ở nước ngoài. Có lúc, ngồi sơ nhẩm cộng điểm Express Entry xin định cư nhanh Canada mà dân tình đang phát cuồng lên, thì thấy mình cũng đủ tiêu chuẩn nộp hồ sơ đấy chứ, nhưng cũng chỉ biết thế chứ không bao giờ tôi muốn đi định cư nước khác. Hôm nay, lại càng thấy quyết định đó chính xác, khi thấy mình kém cỏi như thế nào. Những năm tháng ở nước ngoài cho tôi khả năng xoay xở bên đó, nhưng cũng lấy đi nhiều kỹ năng xoay xở ở Việt Nam vào những trường hợp khẩn cấp
Tôi cuối cùng cũng nhận ra rằng, bác tôi đã hơn 70 tuổi. Tôi vẫn nghĩ rằng bác tôi chỉ 50-60 tuổi thôi, tôi cũng chỉ là đứa trẻ non dại ngày nào, tôi vẫn nghĩ bác tôi có thể khoẻ mạnh giặt gĩu chăn chiếu bên giếng mỗi ngày vì ông tôi ốm bệnh, tôi vẫn nghĩ bác tôi vẫn có thể ngồi đan lưới để kiếm thêm chút tiền tiết kiệm và nuôi những chú chó khôn ngoan, tôi vẫn nghĩ ông bà tôi mới mất mấy năm qua thôi. Tôi vẫn nghĩ tôi được quyền là con trẻ, là đứa bé nhất nhà, được mọi người chăm lo và luôn loại trừ khỏi các công việc to lớn của gia đình. Hoá ra, giờ tôi vẫn bé nhất nhà, nhưng tôi đã 30 tuổi, còn anh chị tôi tóc cũng dần bạc mất rồi.
Tại sao mọi người cứ thích định cư nhỉ?
Mấy hôm trước, một người bạn cũ ở nước ngoài nhắn cho tôi nói rằng mẹ bạn vừa qua đời, nhưng mẹ bạn phải đợi đến 3 tuần sau đó mới được hoả táng vì quá nhiều thủ tục, bệnh viện quá tải và nghĩa trang không có chỗ chôn. Giai đoạn mẹ bạn ở viện, bạn chăm toàn bộ đến kiệt sức, vì không có những người giúp việc/ người chăm sóc bệnh nhân chuyên nghiệp có thể thuê dễ dàng như ở Việt Nam, các thủ tục khám bệnh cũng đều đợi đúng quy trình, chứ ko được ưu tiên ‘bệnh nặng” tạo điều kiện thăm khám trước như ở VN. Bạn cũng từng kể khi bạn gọi cấp cứu cho mẹ bạn vào nửa đêm, sau khi nghe triệu chứng, xe cấp cứu từ chối đến, vì đó là cơn đau bệnh mà mẹ bạn bình thường phải chịu, chứ không hề đến để cho thêm thuốc giảm đau hay đưa vào cấp cứu, vì họ thấy không thể làm gì hơn. Thực ra cái quá tải của nước ngoài ý, nó thua xa Việt Nam, nhưng quy định là quy định và con người đôi khi đúng quy định đến đau lòng. Ở Việt Nam, khôn khéo một chút, thì luôn có thể xoay xở, và luôn có rất nhiều thành viên gia đình giúp đỡ.
Vì thế, tôi khá dị ứng với các vị phụ huynh hoặc học sinh chỉ có mục đích đi định cư bằng mọi giá. Họ có vẻ như chưa suy nghĩ thấu đáo về con đường tương lai của con cái và chính bản thân họ. Thật lòng, tôi hay từ chối khéo việc tư vấn họ. Định cư là con đường tương lai mà mỗi học sinh nên tự quyết định nếu họ thấy phù hợp nhất. Còn du học, là để học, học và học, chứ không phải là để sang nước ngoài được đã rồi làm gì thì làm miễn ở lại được.
Hôm qua, mẹ gọi điện đòi nợ vì tôi mượn thẻ quẹt. Tôi tính “quỵt nợ” ngay. Về Việt Nam, tuy lương không cao và áp lực công việc lớn, nhưng vẫn có thể “quỵt nợ” khi bố mẹ còn khoẻ, và vẫn còn có thể xuất hiện khi bố mẹ chúng ta đã già ~
Xin lỗi, vì còn quá nhiều vô tâm. Mai, phải chạy sang thăm bà ngoại thôi. Cám ơn đời vì bà vẫn còn khoẻ mạnh, mắng con rất khoẻ nhưng không mắng cháu bao giờ 🙂
Hà Nội, 31/3/2019, 26 tháng 2 năm Kỷ Hợi
Comments
Lien Nguyen
Thực sự nhiều khi nghĩ rất buồn, đi đi đừng có về, có lẽ là du học sinh nào cũng được nghe coi như lời dặn dò trước khi đi, và trở về jsẽ bị đánh ra ‘dại’. Em cũng mong rằng các vấn đề về giao thông, thực phẩm,,, sẽ được dần cải thiện, ngoài các vấn đề này ra, thì ở Việt Nam có gia đình, bạn bè, chung ngôn ngữ, chẳng phải tốt hơn sao.